Các loại van chữa cháy tích hợp hệ thống Sprinkler

Các bộ van kiểm soát Sprinkler

Bộ van kiểm soát đặt ở đầu tuyến ống đứng, các nhánh tầng của khu vực tầng hầm là bộ van chuyên dụng cho hệ thống Sprinkler. Bộ van kiểm soát này có các thiết bị đồng bộ sau:

  • Van đóng chính và van phụ có chỉ thị tình trạng đóng hoặc mở.
  • Van báo động.
  • Báo động bằng chuông thuỷ lực và còi (đường kính 150mm).
  • Van xả và kiểm tra
  • Các áp kế thể hiện áp lực của hệ thống đầu nguồn và cuối nguồn.
Các loại van trong hệ thống chữa cháy bằng nước vách tường tích hợp hệ thống Sprinkler
Các loại van trong hệ thống chữa cháy bằng nước vách tường tích hợp hệ thống Sprinkler

Công tắc dòng chảy

Công tắc dòng chảy tiếng anh là: flow switch được lắp đặt trên đường ống ở đầu vào mỗi tầng, phía sau van chặn tổng của tầng đó. Công tắc dòng chảy được liên kết với hệ thống báo cháy tự động để thông báo cho hệ thống báo cháy biết được ở tầng nào đang có dòng nước chảy trong ống. Từ đó biết được tầng đó đang có hoạt động chữa cháy diễn ra.

Công tắc dòng chảy
Công tắc dòng chảy

Khớp nối mềm chống rung

Khớp nối mềm chống rung được lắp đặt ngay tại 2 đầu của máy bơm. Trong quá trình hoạt động của bơm, lúc khởi động cũng như lúc dừng thường tạo ra một sự rung động rất lớn.

Khớp nối mềm chống rung sẽ giúp bảo vệ đường ống tránh được những tác động xấu từ việc rung động trên gây ra. Các khớp nối mềm chống rung được lắp đặt tại tất cả các máy bơm thuộc cả 2 cụm bơm.

khớp nối chống rung
khớp nối chống rung

Van một chiều

Van một chiều được lắp đặt tại đầu đảy của các máy bơm chữa cháy. Ngoài ra, 1 van 1 chiều cũng được lắp đặt tại bể mái. Van này sẽ chống lại sự bơm nước từ trạm bơm chữa cháy tầng hầm vào bể mái mà chỉ cho phép nước từ bể mái xuống phía dưới. Các van lắp ở máy bơm chữa cháy giúp chống hồi ngược áp suất từ đường ống vào máy bơm.

van một chiều lá lật
van một chiều lá lật

Van chặn (van cổng) có kèm công tắc giám sát

Van chặn hay còn gọi là van cổng, kèm công tắc giám sát được lắp đặt 2 đầu của các máy bơm chữa cháy. Van chặn có 2 mục đích.

Đầu tiên dùng để khóa chặn hệ thống khi cần thiết, còn công tắc giám sát được kết nối với hệ thống báo cháy tự động để giá sát trạng thái bất thường của các van.

Ví dụ, van chặn ở máy bơm bình thường sẽ ở chế độ thường mở. nếu ai đó đóng van lại thì hệ thống báo cháy sẽ biết được ngay và sẽ có biện pháp để mở van ra, trả lại chế độ hoạt động bình thường.

Ngoài 2 trạm bơm, các van chặn kèm công tắc dòng chảy còn được lắp ở vị trí chặn tổng của mỗi tầng. Các van chặn kèm công tắc dòng chảy được lắp với đường kính ống nhỏ nhất là D100.

van cổng
van cổng

Một số vị trí đường kính ống nhỏ. Ví dụ, van chặn trước đồng hồ đo áp lực, van chặn trước các công tắc áp suất, van chặn trước bình áp lực, van chặn trên đường xả áp ở các tầng. các van chặn này có vai trò không quan trọng đối với sự hoạt động bình thường của hệ thống nên không cần phải giám sát kỹ.

Đồng hồ đo áp lực

Đồng hồ đo áp lực để giám sát áp suất trong đường ống tại các vị trí trạm bơm chữa cháy. Hệ thống được trang bị 3 đồng hồ đo áp lực ở mỗi trạm bơm chữa cháy.

Van giảm áp

Tại một số tầng của tòa nhà, áp suất tự nhiên của cột áp trong đường ống (tính từ chiều cao bể nước mái) cũng đã rất lớn, chưa kể đến áp suất tăng cao khi máy bơm chữa cháy hoạt động và duy trì áp lực.

Với áp suất cao như thế, khi thực hiện thao tác chữa cháy bằng họng nước chữa cháy vách tường, người thực hiện sẽ rất khó khống chế đầu vòi vì áp suất quá cao. Van giảm áp được lắp đặt ở các tầng đó sẽ giúp giải quyết vấn đề này.

van giảm áp thủy lực
van giảm áp thủy lực

Trụ tiếp nước từ xe chữa cháy

Trụ tiếp nước từ xe chữa cháy được thiết kế trong công trình bao gồm 2 mục đích.

Trường hợp máy bơm chữa cháy, vì một lý do nào đó không hoạt động hoặc bể nước chữa cháy bị hết nước thì trụ tiếp nước chữa cháy được đấu nối trực tiếp vào hệ thống đường ống cấp nước chữa cháy của công trình cho phép xe chữa cháy của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đấu thẳng vào và cấp nước trực tiếp chữa cháy trong đường ống. Tiếp nước cho họng khô phục vụ cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, tại thang bộ của 3 tòa tháp.

Đầu phun chữa cháy Sprinkler tự động

Các đầu Sprinkler (pendent) hướng xuống được lắp đặt khu vực công cộng, khu vực thương mại, dịch vụ, khu văn phòng ở các tầng phía trên tại sảnh, hành lang của khu căn hộ và tại khu vực phòng bếp của các căn hộ. Đầu phun Sprinkler được sử dụng ở tầng hầm là loại đầu phun tự động kiểu hướng lên.

Đầu phun Sprinkler lắp đặt trên tường phía trên cửa ra vào của từng căn hộ là loại gắn tường (side wall). Các đầu phun là loại họng thuỷ tinh, mạ Crôm cỡ nhỏ. Nhiệt độ danh định cho các đầu phun được lựa chọn là 68oC, riêng các đầu phun trong bếp của mỗi căn hộ là loại đầu phun có ngưỡng tác động ở nhiệt độ 93o c.

Đầu sprinkler lắp đặt vuông góc với mặt phẳng trần (mái). Khoảng cách giữa các đầu phun là < 4m, khoảng cách đến tường 1,8 m đến 2,4 m. Khoảng cách giữa đầu phun đến tường bằng 1/2 khoảng cách giữa các đầu phun.

Khoảng cách giữa các sprinkler và tường dễ cháy không vượt quá 1,2 m. Một số trường hợp do kiến trúc và mỹ quan có thể trùng hợp với vị trí đèn chiếu sáng có thể dịch chuyển sang phí bên cạnh đèn chiếu sáng nhưng không vượt quá 20% tiêu chuẩn.

Các dầm trần (mái) làm bằng vật liệu khó cháy và vật liệu cháy có các phần nhô ra có chiều cao trên 0,2m và trần (mái) làm bằng vật liệu khó cháy có các phần nhô ra cao hơn 0,32m thì các sprinkler được bố trí giữa các dầm, vì kèo và các cấu trúc xây dựng khác.

Khoảng cách giữa các đầu phun nước chữa cháy và mặt phẳng trần (mái) không được lớn hơn 0,4m và không được nhỏ hơn 0,08m.

Một số trường hợp do kiến trúc và mỹ quan có thể trùng hợp với vị trí đèn chiếu sáng có thể dịch chuyển sang phí bên cạnh đèn chiếu sáng nhưng không vượt quá 20% tiêu chuẩn.

Công tắc áp suất 2 ngưỡng

Công tắc áp suất 2 ngưỡng được lắp đặt vào đường ống đẩy của máy bơm ở trong trạm bơm chữa cháy, ở cả 2 cụm bơm chữa cháy đều có lắp đặt công tắc này.

Công tắc này có ngưỡng tác động trên và ngưỡng tác động dưới. ngưỡng tác động bên dưới sẽ gửi tín hiệu về tủ điều khiển khi áp suất trong đường ống tụt đến giá trị định sẵn, tủ điều khiển sẽ khởi động máy bơm chữa cháy tương ứng.

Ngưỡng tác động phía trên sẽ ra lệnh ngừng hoạt động của máy bơm chữa cháy tương ứng khi áp suất trong đường ống tăng quá cao và có thể gây mất an toàn.

Họng nước chữa cháy vách tường

Họng nước chữa cháy vách tường bao gồm van chặn chuyên dụng, khớp nối loại D65 và D50 theo TCVN 5739-1993, tất cả các bộ phận trên tích hợp trong một đựng phương tiện chữa cháy chung nhất. Các họng nước chữa cháy vách tường được trang bị trong công trình từ tầng hầm đến tầng mái.

Tủ đựng phương tiện chữa cháy khu vực tầng hầm gồm có: 1 họng nước chữa cháy đường kính van D65, 1 cuộn vòi chữa cháy D65 dài 20m, 1 bộ lăng phun nước chữa cháy D65/16, 01 bình khí C02 chữa cháy – MT3, 01 bình bột chữa cháy ABC; tủ đựng phương tiện chữa cháy khu vực các tầng nổi gồm có 1 họng nước chữa cháy có đường kính van D50, 1 cuộn vòi chữa cháy D50 dài 30m, 1 bộ lăng phun nước chữa cháy D50/13, 01 bình khí C02 chữa cháy – MT3, 01 bình bột chữa cháy ABC ).

Bán kính mỗi họng đảm bảo tại bất kỳ điểm nào trong toà nhà cũng phải có 2 họng phun tới, áp lực các họng đảm bảo chiều cao cột nước đặc >=6m. Căn cứ vào kiến trúc thực tế của công trình ta bố trí đảm bảo các đám cháy ở bất kỳ khu vực nào trong công trình đều được phun nước dập tắt, bán kính hoạt động đến 30m.

Họng nước chữa cháy được bố trí bên trong nhà cạnh lối ra vào, cầu thang, hành lang, nơi dễ nhìn thấy, dễ sử dụng. Các họng được thiết kế đảm bảo bất kỳ điểm nào của công trình cũng được vòi vươn tới. Các Họng nước chữa cháy vách tường được bố trí trong công trình với mật độ bảo vệ như tính toán ở trên.

Đối với các tầng hầm, ngoài việc bố trí cạnh các lối cầu thang, lối lên xuống, thì các họng nước còn được bố trí ở 1 số cột trong giữa nhà để đảm bảo mật độ bảo vệ như tính toán.
Tâm họng nước được bố trí ở độ cao 1,25m so với mặt sàn, mỗi vị trí họng có 1 bộ nội quy tiêu lệnh PCCC.

hệ thống PCCC
hệ thống PCCC

Tủ điều khiển trạm bơm chữa cháy

Tủ điều khiển các máy bơm chữa cháy được cấu trúc để hoạt động điều khiển ở 2 chế độ. Chế độ tự động và chế độ bằng tay. Ở chế độ tự động, tủ sẽ điều khiển các máy bơm chữa cháy thông qua tín hiệu từ các công tắc áp suất đặt ở trạm bơm chữa cháy (mỗi cụm bơm có 1 tủ điều khiển riêng).

Cáp cấp nguồn và cáp điều khiển máy bơm là loại cáp chống cháy

Bình áp lực cho máy trạm bơm chữa cháy. Bình áp lực được đặt trong trạm bơm chữa cháy nhằm tích lũy áp suất trong hệ thống. Bình áp lực sẽ tự động bù lại phần áp lực bị tổn hao trong một giới hạn cho phép mà không cần phải khởi động máy bơm bù áp.

Bình áp lực này sẽ giúp nâng tuổi thọ của máy bơm bù áp rất nhiều. Mỗi cụm bơm lắp đặt 01 bình áp lực có dung tích là 200l.

Cấu trúc của hệ thống bơm

Trạm bơm chữa cháy của công trình được chia làm 2 cụm bơm, được lắp đặt tại phòng bơm nước chữa cháy ở tầng hầm 4 của công trình. Cụm bơm 1 sẽ cung cấp nước cho hệ thống chữa cháy từ tầng hầm 4 đến tầng kỹ thuật,

Cụm bơm 2 cung cấp nước chữa cháy cho hệ thống chữa cháy từ trên tầng kỹ thuật trở lên (các tầng căn hộ).

Mỗi cụm bơm có 3 máy bơm, trong đó có 1 máy bơm chính động cơ điện và 1 máy bơm dự phòng động cơ diezen, 1 máy bơm bù áp động cơ điện (Máy bơm bù áp lực động cơ điện sẽ làm nhiệm vụ duy trì áp lực trong hệ thống đường ống luôn ở mức độ cho phép, đủ áp lực để phục vụ công tác chữa cháy tự động ở tầng trên).

Đối với tất cả các máy bơm chữa cháy phải định kỳ kiểm tra bảo dưỡng và chạy thử ít nhất 1 lần/ tháng.

Rate this post