Phần 06. Bộ lọc khí nén

Trong bài viết trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về Máy sấy khí nén. Ở bài viết này chúng ta cùng nhau tìm hiểu về bộ lọc khí nén. Đây cũng là một thành phần quan trọng trong hệ thống khí nén mà chúng ta đang tìm hiều. Hôm nay tôi và các bạn cùng nhau tìm hiểu về loại thiết bị này nhé

1.Bộ lọc khí nén là gì?

Bộ lọc khí nén

Nguồn cung cấp khí nén lớn nhất chính là không khí tự nhiên quanh ta, tuy nhiên trong không khí tự nhiên để chúng ta sử dụng khí nén có rất nhiều tạp chất cùng với hơi nước có trong không khí. Nếu hơi nước và tạp chất không được xử lý thì sẽ như thế nào? Do vậy bộ lọc khí nén sẽ giải quyết được vấn đề này.Vậy bộ lọc khí nén là gì?

Bộ lọc khí nén là một thiết bị dùng để loại bỏ nước, bụi bẩn có lẫn trong khí nén đảm bảo nguồn khí sạch và khô ráo đáp ứng đủ chất lượng trước khi đưa vào sử dụng

– Bên cạnh việc tách nước tách bụi ra khỏi khí nén, bộ lọc khí nén còn có tác dụng duy trì và điều chỉnh áp suất của khí nén đồng thời phun thêm dầu bôi trơn cho các thiết bị sử dụng phía sau nó

– Compressed Air Fillter(tên tiếng anh của bộ lọc khí nén) còn có tác dụng lọc tách khí, tách nhớt, tách dầu tùy vào nhu cầu sử dụng. Với công nghệ sản xuất tiên tiến hiện đại của kỹ thuật hiện nay, các bộ lọc khí nén có tỉ lệ tách nước và tạp chất lên đến 99% đủ để đáp ứng được mọi nhu cầu sử dụng trong dân dụng hay công nghiệp và sử dụng cho các mục đích cần khí nén sạch và khô như chế biến dược phẩm hay thực phẩm

2. Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của bộ lọc khí nén

Cấu tạo của lọc khí nén   

Cấu tạo của bộ lọc khí nén

Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu qua về khái niệm về bộ lọc khí nén, để hình dung rõ ràng hơn về loại thiết bị này chúng ta cùng nhau tìm hiểu về cấu tạo của bộ lọc khí nén như thế nào nhé các bạn

Bộ lọc khí nén được cấu tạo từ các bộ phận:

a. Cấu tạo

  • Nắp bộ lọc:

Là nơi khí nén đi vào bộ lọc, bên trong có một nắp để cho không khí đi qua bắt buộc theo hình xoắn ốc. Hướng lắp của đường khí đi vào sẽ có ký hiệu bằng mũi tên giúp ta lắp đặt dễ dàng hơn tránh nhầm lẫn trong việc lắp đặt

  • Phần tử lọc:

Đây là bộ phận đảm nhiệm vai trò lọc nước và bụi từ khí nén. Nó được chế tạo từ các sợi kim loại, sợi Inox, sợi thủy tinh…có dạng như lưới cản được các hạt bụi ,hạt sắt, hạt nhựa….

  • Bát lọc: Là phần lớn nhất của bộ lọc thường có cấu tạo hình trụ tròn giúp cho khí nén đi vào theo dạng hình xoắn ốc, nước và bụi bẩn được giữ lại ở phần đáy của bát lọc
  • Van xả đáy: Nước và các chất bụi bẩn được phải được xả ra ngoài nhờ hệ thống xả ở đáy của bát lọc. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại xả bằng tay hoặc xả tự động vận hành bằng phao hoặc bằng điện

b. Nguyên lý hoạt động của bộ lọc khí nén

                        

Nguyên lý hoạt động của bộ lọc khí nén rất đơn giản, nó hoạt động hoàn toàn tự động dựa chính vào áp suất của khí nén

-Bộ lọc khí nén hoạt động bằng cách lọc không khí để giữ lại các hạt rắn và tách nước, hơi ẩm ra khỏi khí nén. Khí nén đi vào đầu kết nối của bộ lọc, đầu kết nối có nắp bên trong dẫn khí nén đi theo hình xoắn ốc.

– Trong giai đoạn đầu tiên của quá trình lọc, khí nén đi qua một bộ lọc lưới được nằm ở bát lọc. Khí nén đi theo hình xoắn ốc tạo ra lực ly tâm giúp đẩy hạt bụi và nước va vào thành của bát lọc và chảy xuống dưới đáy của nó. Phần bụi đang còn lưu lại một lần nữa đi ngược qua lưới và được giữ lại tại đây, chỉ mình khí nén sạch được đi qua

– Nước và các hạt bụi nằm ở đáy của bát lọc sẽ được thoát ra ngoài nhờ hệ thống xả đáy có cơ chế mở bằng tay hoặc mở tự động tùy theo bộ lọc của các hãng sản xuất khác nhau. Rất đơn giản và hiệu quả phải không các bạn

3. Phân loại các loại bộ lọc khí nén hiện nay 

Các sản phẩm lọc khí nén

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều dạng lọc cho khí nén đa dạng về chủng loại và thiết kế. Nhưng nhìn chung chúng ta có thể phân loại theo hai hình thức phân loại theo chức năng và phân loại theo chân ren sử dụng

a. Phân loại theo chức năng: 

Có thể nói lọc khí ở hiện tại không chỉ có chức năng thông thường là loại bỏ nước và hơi ẩm khỏi khí nén mà còn có tác dụng lọc các hạt bụi, lọc dầu, lọc tạp chất…chính vì thế nên phân theo dạng chức năng chúng ta có các kiểu lọc như sau

  • Bộ lọc khí nén theo kiểu hạt: Là dạng lọc được thiết kế cho môi trường sử dụng có nhiều loại bụi bẩn, chất lượng khí nén chứa nhiều các loại hạt như hạt sắt, hạt bụi, hạt nhôm, nhựa…Đây là một loại thiết bị vô cùng cần thiết ở những môi trường như thế này để đảm bảo các chi tiết máy có tuổi thọ lâu dài
  • Bộ lọc có than hoạt tính(Lọc hơi): Như chúng ta đã biết Than hoạt tính sẽ loại bỏ các chất hữu cơ, khử mùi, hút các chất hóa học, tạp chất hòa tan trong nước. Than hoạt tính được ứng dụng trong cả xử lý nước thải, nước sinh hoạt và nước uống tinh khiết. Do vậy dạng lọc này được sử dụng trong các môi trường có mùi hoặc môi trường chất hữu cơ có mùi khó chịu. Nó thường được sử dụng trong các ngành chế biến thực phẩm, y tế cần khí nén có độ sạch cao đảm bảo an toàn cho người sử dụng
  • Bộ lọc kết hợp lạnh: Là loại bộ lọc được thiết kế hoạt động trong các môi trường lạnh có nhiệt độ khoảng 0 -2 độ C. Ở môi trường này bộ lọc sẽ giúp khí nén đẩy được hơi nước nhanh chóng hơn do không khí gặp lạnh sẽ xảy ra hiện tượng ngưng tụ hơi nước
  • Bộ lọc nạp khí nén: Đây là kiểu bộ lọc được thiết kế riêng cho môi trường sử dụng là hóa chất và không khí độc hại. Ngoài tính năng loại bỏ các chất độc hại có kích thước nhỏ khoảng 0.3µm, bộ lọc còn nạp nước vào khí nén trong quá trình lọc
  • Bộ lọc khí nén kiểu hợp nhất:Bộ lọc này có khả năng loại bỏ rất tốt nước dầu và các hạt có kích thước rât nhỏ 0.01mm giúp bảo vệ hệ thống sử dụng phía sau.Bộ lọc này có thể lắp đặt ở các vị trí quanh co 

b. Phân loại theo chân ren

Đây là kiểu phân loại được khách hàng tham khảo nhiều nhất bởi hiện nay hệ thống khí nén chỉ sử dụng 3 loại kích thước ống là 1/4”, 3/8” và 1/2” đo đó lọc khí nén cũng sẽ chia như thế

  • Bộ lọc khí nén chân ren 1/4: Sử dụng cho loại đường ống nhỏ, hệ thống nhỏ và trung bình
  • Bộ lọc khí nén chân ren 3/8: Phù hợp với ống TPC, TPX, TSC…sử dụng cho hệ thống ống vừa và trung bình
  • Bộ lọc khí nén chân ren 1/2: Là loại lọc được sử dụng cho đường ống lớn nhất hiện nay của hệ thống khí nén

c. Phân loại theo cấu tạo

Hiện nay theo cấu tạo người ta có các loại bộ lọc như sau

  • Bộ lọc khí nén đơn: Là kiểu bộ lọc chỉ tích hợp hai bộ phận van lọc và van điều chỉnh áp suất, không có thêm van phun dầu bôi trơn
  • Bộ lọc khí nén đôi: Là bộ lọc có đầy đủ các bộ phận như van lọc, và van phun dầu cùng với van điều áp. Hiện nay đa phần người ta sử dụng sang bộ lọc này bởi tính năng lọc 2 lần và có thêm cơ chế phun dầu bôi trơn giúp cho hệ thống vận hành êm ái, làm giảm nhiệt độ và giảm ma sát của máy móc phía sau

4. Ưu điểm nhược điểm của bộ lọc khí nén

a. Ưu điểm của bộ lọc khí nén

  • Thiết kế nhỏ rất nhỏ gọn, có thể thay thế và tháo lắp một cách dễ dàng
  • Đa dạng cho nhiều môi trường sử dụng như môi trường ẩm, môi trường bụi, môi trường hóa chất
  • Có đầy đủ các chân ren đủ tiêu chuẩn cho hệ thống ống khí nén 
  • Có giá thành phải chăng, không quá đắt nhưng lại rất hiệu quả trong công việc
  • Chất lượng lọc đảm bảo đầu ra khí nén đạt tỉ lệ 98-99% mang lại hiệu quả cao cho hệ thống
  • Ít hư hỏng vặt khi sử dụng, có độ bền cao

b. Nhược điểm của bộ lọc khí nén

  • Vẫn có khả năng gây ra tiếng ồn rít khi khí nén đi qua bộ lọc
  • Khi va chạm vào bộ lọc rất dễ gây ra hỏng hóc bộ lọc
  • Cần phải am hiểu về hệ thống khí nén thì mới lựa chọn và lắp đặt chính xác được bộ lọc

5. Một vài lưu ý khi lựa chọn mua lọc khí nén cho hệ thống khí nén

Lưu ý khi mua bộ lọc khí nén

Như tôi đã trình bày ở bài viết trên, bộ lọc khí nén trong hệ thống khí nén là vô cùng quan trọng. Chính vì thế việc lựa chọn bộ khí nén cho hệ thống sử dụng cũng cần phải quan tâm đến một số lưu ý như sau:

  • Tìm hiểu về hệ thống khí nén đang sử dụng để lựa chọn chính xác loại lọc cần thiết. Nếu sử dụng cho quá trình bình thường, đơn giản không cần quan trọng các hệ thống sử dụng thì chỉ cần loại lọc đơn là đủ yêu cầu. Còn sử dụng trong công nghiệp thì cần quan tâm đến chất lượng khí nén để đảm bảo các chi tiết máy hoạt động và đảm bảo an toàn sức khỏe cho con người
  • Dựa vào công suất của hệ thống mà lựa chọn loại lọc khí cho phù hợp, tránh tình trạng lọc khí quá nhỏ hoặc quá to sẽ không đáp ứng đủ công suất hoặc lãng phí khi sử dụng
  • Dựa vào hệ thống đường ống mà lựa chọn các loại chân ren của bộ lọc khí cho hợp lý, tránh tình trạng mua về mà lắp không vừa
  • Cũng cần phải lưu ý đến môi trường sử dụng bộ lọc khí nén. Như đã trình bày ở trên các bộ lọc khí được chế tạo cho nhiểu môi trường sử dụng khác nhau nên chúng ta cũng phải lựa chọn cho phù hợp với từng môi trường sử dụng
  • Khi đã định hình được sản phẩm cần mua thì việc tìm hãng sản xuất và nhà cung cấp cũng là khâu cực kỳ quan trọng. Tuy bộ lọc khí có giá thành không quá cao nhưng tính năng lại rất hiệu quả và hữu ích cho cả hệ thống. Chính vì thế cần lựa chọn các hãng sử dụng có uy tín, kinh nghiệm, có thương hiệu trên thị trường. Cùng với đó là các nhà cung cấp chính hãng để đảm bảo hàng là chuẩn tránh tình trạng hiện nay có nhiều hàng giả của các thương hiệu lớn đang xuất hiện trên thị trường

6. Kết luận

Vậy là tôi và các bạn đã cùng nhau tìm hiểu về bộ lọc khí nén trong bài viết này rồi. Chúng ta đã cùng nhau trải qua các kiến thức tổng hợp trong hệ thống khí nén và chúng tôi rất vui vì đã có nhiều đóng góp, góp ý và những lời động viên để chúng tôi có động lực trong các bài viết tiếp theo

Kiến thức là bao la và vô tận, trong bài viết chúng tôi đã cố gắng tìm tòi, xin ý kiến của những kỹ sư, nhà sản xuất có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp nói chung và hệ thống khí nén nói riêng. Về cơ bản bài viết mang tính khái quát chung và đưa ra các khái niệm cho bạn đọc, phần chi tiết chúng tôi không đi sâu phân tích do dung lượng và thời gian không cho phép. Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi

Mời các bạn theo dõi phần tiếp theo trong chuỗi bài viết về hệ thống khí nén đó là Bộ bôi trơn khí nén

5/5 - (3 bình chọn)